Thứ Hai, 16 tháng 9, 2013

Rượu Bàu Đá đặc sản của người dân Bình Định

Bình Định là một tỉnh của Miền Trung với điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt, thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai, lũ lụt, hạn hán. Chính những điều kiện ấy đã làm nên tính cách người Bình Định mạnh mẽ, kiên cường, giàu nghị lực.


Làng rượu Bàu Đá, thôn Cù Lâm, Nhơn Lộc, An Nhơn, Bình Định

Có lẽ vì thế nên Rượu Bàu Đá có phần nặng độ hơn rượu các miền đất khác. Rượu Bàu Đá là tên gọi của loại rượu được chưng cất bằng phương pháp thủ công, gia truyền tại Làng Nghề Truyền Thống Rượu Bàu Đá, thuộc làng Cù Lâm, xã Nhơn Lộc, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định. Làng nằm ở tả ngạn sông Kôn, cũng như bao làng quê khác, làng Bàu đá được bao bọc bởi màu xanh mượt mà của cánh đồng lúa, của lũy tre xanh từ bao giờ. 
Những vạt ruộng vào mùa khô hanh sau vụ gặt, là vùng thánh địa cho những trẻ chăn trâu, nướng khoai, vùi sắn, thả diều, làm đủ mọi trò tinh nghịch của tuổi học trò, là nơi nghỉ chân bàn chuyện mùa màng, làm ăn của những người đàn bà tần tảo quanh nồi Rượu, luống rau, là nơi hẹn hò của những đôi trai gái rạo rực với mùa xuân. Chào đón du khách là cổng làng được xây dựng kiên cố với dòng chữ “Làng Nghề Truyền thống Rượu Bàu Đá”, đường bê tông uống lượn theo làng như một dải lụa. Bước vào làng, hương men rượu nồng thơm thoang thoảng trong gió. 

Rượu Bàu Đá đặc sản Bình Định

Bàu Đá là tên của một cái bàu nước nằm ngay cạnh thôn, được người dân trong thôn lấy làm nguồn nước chính để chưng cất rượu, tên gọi Rượu Bàu Đá bắt nguồn từ đây, người dân trong thôn lưu truyền rằng đây là một đặc ân “trời ban” cho làng Bàu Đá. Làng Nghề Truyền Thống Rượu Bàu Đá được nhà nước công nhận là làng nghề truyền thống tiêu biểu ViệtNam. 
Nhiều người uống Rượu Bàu Đá nhưng ít ai biết rằng Rượu ngon nhờ phương pháp chưng cất thủ công gia truyền, công thức ủ rượu, lên men kết hợp với mạch nước ngầm kì diệu “trời ban” cho làng Bàu Đá. Được chắt lọc từ những hạt gạo ngon được trồng ở những thửa ruộng đủ nước cho cây lúa từ lúc còn rảnh mạ, đến khi ngậm đòng và nhất là nguồn nước nơi đây đã làm nên chất rượu độc đáo của Làng Bàu Đá, làm nên hồn Rượu Bàu Đá. Mang nghề ra khỏi xóm Bàu Đá thì Rượu nấu lên bất thành vì thiếu nước ở làng nên không sao tạo được cái chất rượu, Hồn của Rượu Bàu Đá, như nó được nấu ở đây, mặc dầu rằng, vẫn con người ấy, bàn tay ấy, gạo ấy, men ấy. Cái hồn ấy chính là mùi thơm thanh khiết, là hương vị đậm đà, là Rượu trong suốt như pha lê. Rượu Bàu Đá uống vào có vị thơm nồng quyến rũ, uống một hớp, sức nóng như dội lên mạnh mẽ nhưng không gắt, để rồi hương rượu như lan tỏa len sâu từ cổ họng đến khắp người, bừng bừng chất men ngọt, uống say vẫn tỉnh, không loạn trí đau đầu. Rượu Bàu Đá Tâm Tửu – chính gốc từ làng Bàu Đá Để có một lít rượu Bàu Đá ngon, công đoạn nấu rất công phu: rượu được nấu bằng gạo lứt, nấu một mẻ 5 kg gạo (lấy được 2,5 – 3 lít rượu) phải mất 6 tiếng đồng hồ. nên có hương vị đặc trưng. Khi chưng cất không được vội vàng, phải dùng lửa liu riu mới vắt cạn được tinh chất gạo. Người nấu rượu lâu năm không cần nếm cũng có thể thẩm định được chất lượng của rượu bằng cách lắng nghe tiếng rơi của rượu trong vại sành lúc chưng cất và hương rượu thoáng qua theo những người sành rượu. 
Một lò nấu rượu Bàu Đá

Rượu Bàu có những nét riêng ít loại rượu nào có được. Đưa rượu lên rót nghe thánh thót trong veo, hơi rượu thơm nồng, nước rượu trong như pha lê. Rượu rót ra chén sủi bọt sủi tăm, uống vào không có cảm giác gắt, hay nóng cháy cổ. Với rượu Bàu Đá chính gốc, lỡ khi quá chén không hề đau đầu. Tiếng lành đồn xa, rượu Bầu Đá không còn bó hẹp trong không gian thôn làng nữa mà vươn đến các địa phương khác trên cả nước và thế giới. Nhiều người khi ghé qua đất Bình Định đều muốn nếm thử một lần cho biết hoặc mua một ít về làm quà biếu người thân. Trong một lần dừng chân ở đất Bình Định, nhà thơ Tản Đà tình cờ thưởng thức một bữa tiệc rượu Bàu Đá, đã nghiêng mình ngưỡng vọng và phong tặng cho rượu Bàu Đá là “Đệ nhị danh tửu”.. Rượu Bàu Đá là đặc sản nổi tiếng của tỉnh Bình Định.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét